
1. Tại sao tôi cần phải đi thực tập ở thời điểm hiện tại
Xin chào mọi người, mình tên là Hiếu, hiện tại là sinh viên năm 3 ngành công nghệ thông tin, trường Đại Học Xây Dựng. Sau gần 3 năm học tại trường, mình đã học được 1 số môn nền tảng cho ngành như Tin học đại cương, Thuật toán và Cấu trúc dữ liệu, Cơ sở dữ liệu, Lập trình C++, Lập trình hướng đối tượng, lập trình Assembly, …
Tuy nhiên, nhắc đến sinh viên Xây Dựng mọi người thường liên tưởng tới những công trình, tòa nhà, con đường cao cao mãi, chứ mấy ai nghĩ rằng học CNTT lại vào ĐH Xây dựng? Vì thế mình thường xuyên được hỏi kiểu: “học Xây Dựng ngành CNTT ra có làm được việc không, sao mà bằng các trường top 1 được…” Nhưng mình tin rằng môi trường học là nơi bổ trợ 1 phần kiến thức nền cho nghề, chứ không thể quyết định năng lực làm việc của mình được.
Đó là lý do tại sao mình lại muốn tìm chỗ thực tập, để được trải nghiệm kiến thức thực tế bên ngoài, tìm kiếm kinh nghiệm cho bản thân về ngành nghề mình theo đuổi, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt cho hành trình tương lai. Mình cứ nung nấu ý định học hỏi bên ngoài và tìm cơ hội thực tập trong suốt những tháng đầu của năm 3 cho tới một ngày….

2. Kỳ thực tập tại HiveTech
Trong thời gian mình ra ngoài học hỏi, trải nghiệm, mình may mắn gặp được thầy Lê, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành và luôn kiên nhẫn chỉ ra những thiếu sót của mình. Do đó mình luôn mong muốn trong suy nghĩ là giá như được đi theo thầy để học hỏi, được thực tập ở chỗ thầy giáo thì thật tuyệt vời. May mắn thay, sau 1 kỳ tuyển chọn thực tập sinh, thì mình trúng tuyển tại công ty. Vậy là mình chính thức trở thành thực tập sinh tại HiveTech.
Từ khi thực tập tại HiveTech, mình đã trang bị được thêm rất nhiều kiến thức nền tảng cho ngành và có định hướng rõ ràng hơn chứ không còn mơ hồ như xưa nữa.
Trải nghiệm tạo nên kinh nghiệm
Tại HiveTech, mọi người làm việc thực sự năng động và chuyên nghiệp. Mỗi sáng tại 1 khung giờ cố định, mọi người từ các đội sẽ cùng DAILY để nói về những việc đã làm hôm qua và những việc dự định trong hôm nay, và đó là mô hình hoạt động Scrum mà HiveTech sử dụng hàng ngày.

Qua chia sẻ của các anh chị, mình nhận ra khi đi thực tập không nên suy nghĩ là đi để học, mà phải suy nghĩ là đi để làm. Mà đã làm việc là phải có trách nhiệm, tuân thủ các quy trình, quy định chung của tổ chức.
Khi đi thực tập, chúng ta sẽ được học cách làm việc từ các anh chị trong tổ chức, những kiến thức từ việc mình giải quyết vấn đề, hay kể cả từ những task mà chúng ta được giao, chúng ta cũng học hỏi được nhiều thứ từ những task đó.
Bên cạnh đó, mình cũng rất thích văn hóa công ty, ngoài thời gian tập trung cho công việc còn có những khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, tập thể dục và các buổi “talk sharing” về một kiến thức nào đó trong cuộc sống, cách hoạt động, tương tác sao cho chuyên nghiệp trong tổ chức.
Học và làm việc với công nghệ mới, kiến thức mới
Mình đã được học cách phân chia từng bước để giải quyết một task được giao và rút ra được bài học rằng: “Cứ cắm đầu vào code luôn, thì không thể nào mà giải quyết được vấn đề, hay thậm chí là làm nó phức tạp hơn. Nên tìm ra keyword, học cách search thông tin và biết sử dụng kết quả của người khác sao cho hiệu quả nhất.”
Khi gặp các vấn đề và kiến thức mới, mình sẽ ghi lại và làm một bài thuyết trình, đây là cơ hội tìm để mình tìm hiểu sâu hơn và chia sẻ lại cách hiểu của mình cho các anh chị góp ý thêm.
Khi đi thực tập tại HiveTech mình được tiếp cận sâu hơn các khái niệm và ứng dụng của Java Spring, Spring Core, Spring MVC, Spring Boot, Spring Data, Spring Security, Design Pattern… hay các loại cơ sở dữ liệu SQL và NoSQL, …. Khi đi học chúng ta thấy các thuật toán rất khó, và không cần thiết, giống như học toán cấp 3 vậy hoặc đôi khi hỏi các anh/chị đi trước, họ có thể nói sau này đi làm không bao giờ cần. Nhưng mình không nghĩ vậy, trong quá trình thực tập, mình càng thấy rằng thuật toán thực sự quan trọng. Mặc dù chúng có thể không dùng nhiều, nhưng nó có thể làm tăng độ nhạy của tư duy, giảm bớt số lượng code, làm cho một sản phẩm hoạt động nhanh và ổn định.
Giải quyết vấn đề, ứng phó với những thách thức ngoài tầm
Khi vừa đi học, vừa đi làm, bạn sẽ học được cách phân chia thời gian và sắp xếp công việc để có thể đảm bảo đúng tiến độ, và vượt qua những áp lực.
Ngoài ra, từ xưa mình đã quá quen với tư duy xuôi , nhưng tại HiveTech mình đã được học và rèn luyện thói quen tư duy ngược để giải quyết vấn đề.

3. Kinh nghiệm rút ra cho mình và các bạn sinh viên muốn đi thực tập sớm
Vậy đi thực tập sớm liệu có phải lựa chọn đúng. Sau gần nửa năm thực tế mình rút ra được như lợi ích và khó khăn như sau.
Lợi ích của việc đi thực tập sớm song song với đi học:
– Mình sẽ học được cách làm việc chuyên nghiệp vì bạn phải thay đổi để thích nghi với 1 tổ chức chuyên nghiệp như các quy tắc khi làm việc, cách tương tác với mọi người trong đội, …
– Mình sẽ nắm bắt được nhiều kiến thức thực sự cần khi đi làm thực tế.
– Được tiếp xúc với những anh chị đi trước, họ có nhiều kinh nghiệm và có thể dạy cho mình nhiều thứ.
– Sau này mình tự tin để ghi những trải nghiệm đó vào CV làm điểm nhấn cho hồ sơ của mình.

Khó khăn khi đi thực tập sớm song song với đi học:
– Mình sẽ phải làm nhiều việc hơn, cả thực tập và trên trường, đồng nghĩa thời gian dành cho bản thân sẽ ít đi, từ nghỉ ngơi, đến chơi bời, học hành (bạn nào có gấu thì lại càng cân não hơn giữa chọn việc hay chọn em…)
– Thời gian học ít hơn, nếu lơ là bỏ quên việc học là ôi thôi xong điểm kém và học lại sẽ vẫy gọi bạn ngay và luôn. Nhưng nếu để ý và tập trung 1 chút là ổn áp sẽ oki ngay, việc học – thi – làm đồ án như hổ mọc thêm cánh, học ít nhớ lâu, áp dụng thực tế linh hoạt.
– Trong quá trình làm việc, nhiều kiến thức mới chưa được học phải ngồi mày mò tìm tòi từng vấn đề rồi sắp xếp lại mà vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ đúng deadline.
Cuối cùng mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng đi thực tập sớm hay dành thời gian toàn tâm cho việc học là lựa chọn của mỗi người. Hãy xác định rõ hướng đi của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Còn nếu bạn đã chọn đi thực tập sớm như mình, hãy cố gắng tận dụng khoảng thời gian này để có thể tiếp nhận được nhiều kiến thức nhất có thể.
Chúc các bạn có những kỳ thực tập giá trị!
Phan Văn Hiếu